Chứng tiêu chảy ở trẻ em

Phòng bệnh lỵ ở trẻ em

(suckhoedoisong.vn) - Lỵ là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây tổn thương ruột già và đoạn cuối ruột non. Khác với người lớn, lỵ ở trẻ em có diễn biến cấp tính và thường rất nặng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa hè và mùa mưa lũ. Bệnh có nguy cơ lây cao ở những vùng không được dùng nguồn nước sạch và ở trẻ em do chưa có ý thức về vệ sinh.

Tác nhân gây bệnh

Do vi khuẩn shigella, có 4 chủng (Shigella dysenterias - nhóm A, S.flexneri - nhóm B, S.boydii - nhóm C, S.sonnei-nhóm D), vi khuẩn dài, hình que ngắn (nên gọi trực trùng), gram (-), không di động. Dễ nuôi trong môi trường thạch ở nhiệt độ 37 độ. Trực khuẩn lỵ có thể sống ở đất được vài tháng, ở ruồi nhặng 2 - 3 ngày, ở đồ chơi, đồ dùng, giường chiếu được vài ngày, ở sữa và chế phẩm của sữa còn có khả năng phát triển mạnh hơn.

 Rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 600.000 bệnh nhân tử vong do lỵ trực khuẩn. 2/3 số trường hợp mắc và tử vong là ở trẻ em dưới 10 tuổi. Bệnh ít gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bệnh hay gặp ở nơi đông người, vệ sinh kém: trung tâm nuôi dưỡng trẻ, trại mồ côi, vùng lũ lụt.

Lỵ dễ bị chết nếu phơi ở ánh nắng mặt trời, nếu đun sôi sẽ chết trong 10 phút. Vi khuẩn lỵ có khả năng sinh sôi và gây bệnh rất mạnh. Chỉ cần 10 - 100 trực khuẩn là có thể gây bệnh ở người.

Dễ lây lan thành dịch

Có 2 phương thức lây truyền trực tiếp và gián tiếp. Lây trực tiếp là lây từ người bị bệnh sang người lành hoặc do tay bị nhiễm khuẩn. Những người có nguy cơ lây cao như không rửa tay sau khi đi ngoài, để móng tay dài, không rửa tay trước khi ăn . Yếu tố lây nhiễm qua trung gian như đồ dùng chung, thực phẩm, nước uống (hay tắm ao hồ nhiễm trực khuẩn), ruồi nhặng...

Trực khuẩn lỵ từ miệng qua dạ dày, tại đây một số bị diệt bởi dịch vị, số còn lại qua ruột non đến ruột già bám dính vào niêm mạc, xâm nhập qua niêm mạc và gây bệnh. Tất cả mọi người đều có tính cảm nhiễm với bệnh. Trẻ em nhất là trẻ suy dinh dưỡng nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Những dấu hiệu của bệnh

Thời kỳ ủ bệnh từ 12 đến 96 giờ. Sau đó khởi phát thường đột ngột với các triệu chứng sau:

Nếu nhẹ, đau bụng từng cơn, buồn đi ngoài (lúc đầu phân lỏng về sau nhớt nhầy, mủ) 10 - 15 lần/ngày. Nặng thì có biểu hiện đau quặn bụng từng cơn, mót rặn dữ dội. Trẻ khóc từng cơn khi đi ngoài, phân lỏng, đi nhiều lần, số lượng ít, phân có nhày, có khi phân toàn máu “như nước rửa thịt” hoặc màu “máu cá”. Có khi phân nhày như mủ và rất tanh.

 Trực khuẩn lỵ Shigella.

Có sốt, nhẹ thì 38 - 39oC, nặng thì 40 - 41oC, có khi sốt cao gây co giật. Biểu hiện khác: tăng urê huyết, hạ natri và đường huyết, bất thường ở hệ thần kinh (co giật, rối loạn tri giác, tư thế bất thường...). Ít phổ biến hơn có thể gặp viêm khớp phản ứng, đau nhức toàn thân, nước tiểu có albumin. Có thể có sốc, hôn mê (đặc biệt trong thể lỵ nhiễm độc do S. shigae).

Xét nghiệm có giá trị nhất để phát hiện trực khuẩn lỵ là cấy phân để xác định căn nguyên gây bệnh và làm kháng sinh đồ. Soi phân tươi tìm hồng cầu và bạch cầu trong phân, định týp huyết thanh chỉ có giá trị nghiên cứu, đặc biệt trong mùa dịch. Xét nghiệm công thức máu có bạch cầu tăng cao. Các xét nghiệm khác đánh giá mức độ rối loạn nội môi: điện giải đồ, protit, ure, creatinin, khí máu.

Cần chú ý phân biệt với các bệnh tiêu chảy ở trẻ em như tiêu chảy do virut, do nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn, lỵ amip, E. coli và lồng ruột...

Phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh hằng ngày

Phát hiện sớm và điều trị triệt để là biện pháp quan trọng tránh cho bệnh lây lan thành dịch hoặc trở thành ổ chứa mầm bệnh. Để phòng lỵ ở trẻ em, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ cần được chú trọng hàng đầu như: rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; cắt ngắn móng tay, không phóng uế bừa bãi; vệ sinh thức ăn, nước uống: ăn chín, uống sôi, bảo quản thức ăn tốt; cắt đường lây truyền trung gian gây bệnh (diệt ruồi, nhặng); nếu bị bệnh, cần được điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ và cần được cách ly 10 - 15 ngày.

Nếu bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch, cần báo ngay với cơ quan kiểm dịch tại địa phương.            

  BS.Nguyễn Thị Phương Anh

Phòng và trị viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ

Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính, rất hay gặp ở trẻ nhỏ do viêm tắc các đường hô hấp nhỏ (hay còn gọi là tiểu phế quản). Bệnh xuất hiện trong 2 năm đầu, với tần suất cao nhất vào 6 tháng tuổi và ở nhiều nơi bệnh là một trong những nguyên nhân thường xuyên làm trẻ phải nhập viện.

 

Bệnh xuất hiện quanh năm, cao nhất vào mùa đông và đầu mùa xuân, có thể xuất hiện lẻ tẻ, đôi khi thành dịch. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm sẽ cho kết quả tốt, những trường hợp nặng gây suy hô hấp có thể bị tử vong.

 Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Trẻ nào dễ mắc bệnh?

 

Tác nhân viêm tiểu phế quản ở trẻ thường là do các virut như: virut hợp bào hô hấp (VRS), chiếm 30 - 50% các trường hợp mắc bệnh. Virut cúm và á cúm cũng gây bệnh cho khoảng 25% số trẻ bị viêm tiểu phế quản. Ngoài ra phải kể đến Adenovirus với 10% số mắc.

Nếu trẻ sống trong vùng có dịch cúm hay viêm đường hô hấp trên (do virut hợp bào) thì tỷ lệ bị lây nhiễm rất cao do sức đề kháng ở cơ thể trẻ còn quá yếu, nhất là trẻ đang ở tuổi bú mẹ mà không được bú đầy đủ sữa mẹ.

Ngoài ra, các trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi bẩm sinh, sống trong môi trường hút thuốc lá thụ động, không khí ô nhiễm, nhà ở ẩm thấp, chật chội, hay bị suy giảm miễn dịch đều có nguy cơ cao mắc phải viêm tiểu phế quản.

 Virut Respiratoire Syncytial (VRS) - virut hợp bào hô hấp gây viêm tiểu phế quản .

Dấu hiệu để nhận biết

Viêm tiểu phế quản là bệnh chỉ xảy ra ở trẻ dưới 24 tháng tuổi, thường gặp nhất là 3 - 6 tháng tuổi. Khi mắc bệnh, các phế quản nhỏ này bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp thậm chí tắc nghẽn. Vì vậy, trẻ sẽ bị khò khè, khó thở và nặng hơn nữa trẻ sẽ bị thiếu ôxy để thở.

Triệu chứng ban đầu thường thấy nhất là tình trạng trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Bạn nên lưu ý vì sốt không phải triệu chứng đặc trưng của bệnh. Trên thực tế, có rất nhiều trẻ viêm tiểu phế quản không bị sốt hoặc chỉ bị sốt nhẹ. Trẻ có thể xuất hiện những cơn ho ngày một kéo dài, nhất là về nửa đêm hoặc gần sáng. Khi ấy, trẻ thường thở khò khè hoặc khó thở, thậm chí ngừng thở, bú kém, hay bị nôn trớ. Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày sau đó giảm dần rồi khỏi hẳn. Cá biệt có một số trường hợp ho sẽ kéo dài hơn.

Viêm tiểu phế quản là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp nặng ở trẻ nhỏ đặc biệt là các nước u - Mỹ vì bệnh có khả năng trở thành dịch lớn. Ở Hoa Kỳ: 120.000 trẻ nhập viện vì viêm tiểu phế quản hằng năm. Ở Việt Nam, theo một thống kê chưa đầy đủ cho thấy, đây cũng là bệnh phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi, với một con số ước tính khoảng 40% số ca bệnh nhi phải điều trị tại các khoa hô hấp.

Biến chứng nào có thể xảy ra?

Nếu không được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: rối loạn chức năng hô hấp, xuất hiện từng cơn khó thở tái phát, viêm tiểu phế quản lan tỏa. Nghiêm trọng hơn sẽ làm trẻ bị suy hô hấp cấp, tràn khí màng phổi, viêm phổi - trung thất, xẹp phổi và thậm chí tử vong.

Bệnh sẽ có biến chứng nặng hơn ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non - nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch.

Điều trị và phòng bệnh

Với các trường hợp nhẹ chỉ cần chăm sóc tại nhà: tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước và làm loãng đờm. Có thể nhỏ mũi 2-3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ. Để giảm ho, long đờm cho bé có thể sử dụng mật ong hấp với quả quất còn xanh hoặc mật ong hấp lá hẹ. Nếu các biện pháp trên không mang lại hiệu quả, cần đưa bé tới bác sĩ khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 Hình ảnh viêm tiểu phế quản xơ hóa tắc nghẽn trên phim chụp Xquang.

Những trẻ có dấu hiệu nặng như khó thở, bú kém, tím tái... hoặc có các yếu tố nguy cơ như trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non, có bệnh tim phổi bẩm sinh, trẻ suy giảm miễn dịch thì cần nhập viện.

Để phòng bệnh hiệu quả, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi, không để trẻ bị lạnh, giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bếp than, khói thuốc lá, mầm bệnh.

Tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với trẻ lớn, người lớn đang bị cảm lạnh cũng như các trẻ bệnh khác. Cần rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ (vì virut gây bệnh lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp). Cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, đặc biệt là khu vực tai, mũi, họng cho trẻ hằng ngày.

Phòng ngủ của trẻ cần được đặc biệt thông thoáng, trong lành. Không nên trải thảm trong phòng trẻ. Nên thường xuyên giặt chăn, gối dành cho trẻ, sau đó phơi nắng thật khô.

 BS. Nguyễn Duy Quang

Viêm cốt tủy do bạch cầu cấp ở trẻ em

Viêm cốt tủy hay viêm xương tủy là bệnh lý hệ xương từ đường máu do nhiều căn nguyên gây ra. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em nhỏ với diễn tiến gây hạn chế vận động hoặc tàn tật ở trẻ sau này. Cần lưu ý viêm cốt tủy có thể là dấu hiệu của bệnh về máu cần được chẩn đoán. 

Một trường hợp hiếm gặp

Bé gái 7 tuổi, ở TP.HCM, nhập viện vì sốt và đau vai bên trái. 5 ngày trước nhập viện, cháu sốt liên tục, kêu đau nhiều ở vùng vai bên trái đến nỗi không cử động được cả cánh tay. Khám bệnh thấy cháu có sốt dao động, vài hồng ban rải rác ở ngực và lưng. Khớp vai (T) đau khi cử động. Không có bất kỳ dấu hiệu tổn thương ở các cơ quan khác. Hỏi kỹ bệnh mẹ cho biết 6 tuần trước đó cháu đã điều trị ở bệnh viện tư vì sốt và đau vai bên phải.

Viêm cốt tủy do bạch cầu cấp ở trẻ em 1
Cần đưa trẻ đi khám khi có dấu hiệu bất thường

Chụp X-quang hệ xương và siêu âm không thấy tổn thương tại xương và khớp vai 2 bên. Chẩn đoán hình ảnh MRI mới phát hiện tình trạng viêm xương tủy xương bả vai (T) phần trên gai vai, có abces mỏng dưới màng xương, viêm khớp cùng vai (T). Kiểm tra MRI  sau 2 tuần xuất hiện thêm ổ tổn thương cốt tủy mặt sau đầu dưới xương đùi (P). Xét nghiệm máu giảm cả 3 dòng HCT 28,3%, BC 5.330/mm3, TC 123.000/mm3. Do vậy được làm tủy đồ. Kết quả ghi nhận cả 3 dòng tế bào tủy đều phát triển rất kém, tủy tràn ngập tế bào non dòng tân bào giúp chẩn đoán bệnh viêm cốt tủy tái phát trên trẻ bạch cầu cấp dòng lympho.

Bệnh thường gặp ở trẻ em nhỏ

Viêm cốt tủy là bệnh hay khởi phát ở trẻ dưới 5 tuổi, 2/3 các trường hợp gặp ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh 1/5.000 trẻ, sơ sinh mắc nhiều hơn (1/1.000), trẻ trai bệnh nhiều hơn trẻ gái (2/1).

Gây bệnh từ đường máu với cơ chế gây tổn thương tủy xương ở trẻ em bắt đầu trong thân xương. Tác nhân nhiễm trùng theo đường máu đi vào mạch máu ở xương, làm thuyên tắc động mạch nuôi gây ra thiếu máu và ngăn cản cơ chế phòng vệ đến được nơi này. Kém tưới máu màng ngoài xương gây hoại tử, tiêu xương. Quá trình viêm xảy ra ở mô liên kết giữa các mô kế cận. Sau nhiều ngày sẽ có tình trạng tràn dịch vô khuẩn do phản ứng xảy ra ở gần khớp. Không điều trị mô hạt sẽ mọc quanh xương chết, tách rời vỏ xương và hình thành mảnh xương chết. Xương mới mọc sẽ xuất hiện xung quanh xương chết tạo thành bao xương chứa các ống xoang giữa xương nên dễ bị gãy. Tổn thương hoại tử có thể lan rộng quanh thân xương, đến vùng xương tăng trưởng và vào cả khớp.

Vị trí ở các xương dài 

Khác với người lớn viêm cốt tủy thường xuất hiện ở xương sống hoặc xương chậu. Ở trẻ em tổn thương thường xảy ra ở các xương dài như xương đùi và xương chày (50%), kế là xương cánh tay (25%). Các xương dẹt ít bị bệnh hơn. Viêm cốt tủy cũng có thể xảy ra ở nhiều xương (10%) và có thể liên quan đến các khớp.

Dấu hiệu lâm sàng thay đổi theo tuổi. Ở trẻ nhỏ, dấu hiệu sớm là biểu hiện giả liệt, đau khi cử động thụ động hoặc cả 2. Trẻ lớn hơn thường sốt, đau đến nỗi không thể hoặc không chịu đi đứng vì đau. Khớp liên quan thường ở tư thế hơi duỗi để giúp trẻ bệnh bớt đau và dễ chịu hơn. Da bị sưng, đỏ hoặc sờ căng là dấu hiệu tổn thương lan đến vỏ xương. Các triệu chứng khác có thể gặp ở trẻ như quấy khóc, nôn ói.

Chẩn đoán hình ảnh quan trọng

Những xét nghiệm sinh học cho kết quả thay đổi không đặc hiệu như thiếu máu trung bình, CRP tăng cao, VS tăng cao. Chẩn đoán hình ảnh giữ vai trò quyết định trong chẩn đoán. Chụp X-quang trong vòng 72 giờ từ khi xuất hiện triệu chứng nhằm loại trừ những nguyên nhân khác như chấn thương, dị vật. So sánh 2 bên để tìm ra hình ảnh phù nề các mô ở sâu. Hình ảnh tiêu xương phát hiện chậm, sau 7 - 14 ngày. Chụp CT chỉ ra những bất thường ở xương và mô mềm, đặc biệt phát hiện được hơi trong mô mềm. Nhấp nháy đồ có thể phát hiện viêm cốt tủy trong vòng 24 - 48 giờ, nhằm khảo sát tòan bộ xương, có khả năng phát hiện nhiều ổ tổn thương. MRI được xem là xét nghiệm chuyên biệt có độ đặc hiệu cao giúp xác định abces và phân biệt nhiễm trùng ở xương và mô mềm. MRI còn cung cấp các chi tiết khá chính xác tình trạng tụ mủ dưới màng xương và cặn mủ trong tủy xương.

Diễn tiến tái đi tái lại

Bệnh viêm cốt tủy cấp có thể tiến triển âm ỉ thành mãn tính với diễn tiến bệnh kéo dài, có những giai đoạn im lặng nhưng tái diễn nhiều lần (<5%). Các biến chứng muộn có thể gặp là gãy xương bệnh lý. Điều trị muộn trẻ có thể bị ngắn xương và biến dạng.

Lưu ý nguyên nhân không do nhiễm khuẩn

Nguyên nhân không do nhiễm khuẩn thường đề cập trong y văn là bệnh mô bào Langerhans, bướu xương, bệnh ác tính, hay bệnh tạo keo. Do bệnh về máu bạch cầu cấp hiếm gặp (dưới 2%). Nếu tổn xương chỉ ở một xương đặt ra vấn đề chẩn đoán khác biệt với bướu xương ác tính (bướu Ewing, neuroblastome). Tổn thương đa ổ tái phát mãn tính như trong trường hợp này cần lưu ý nguyên nhân không nhiễm khuẩn. Đây là trường hợp bệnh hiếm gặp gợi lại những đặc điểm lâm sàng, sinh học và hình ảnh chẩn đoán bệnh viêm cốt tủy do bạch cầu cấp ở trẻ em giúp các bác sĩ nhi khoa có sự lưu tâm để chẩn đoán sớm, giúp điều trị thích hợp sớm bệnh trẻ em.

BSCK2. NGUYỄN THỊ KIM THOA


Mức selen trong máu thấp làm tăng nguy cơ ung thư gan

Giáo sư Lutz Schomburg và đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu của khoảng 477.000 người trưởng thành trong cuộc điều tra về ung thư và dinh dưỡng của châu u. Nghiên cứu xác định có 121 bệnh nhân ung thư gan, 100 bệnh nhân ung thư túi mật và đường mật, 40 bệnh nhân ung thư ống mật trong gan. Tất cả các bệnh nhân đã phát triển các loại ung thư trong hơn 10 năm theo dõi. Các nhà khoa học đã thu thập mẫu máu của các bệnh nhân ung thư để đánh giá mức độ selen trong máu so với những người khỏe mạnh. Kết quả cho thấy, 1/3 những người có nồng độ selen thấp nhất có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp từ 5-10 lần. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên hàm lượng selen hàng ngày của người lớn là 100microgam đối với nam, 70microgam đối với nữ, trẻ em là 10-15microgam/ngày. Selen có nhiều trong các loại thực phẩm như lúa mỳ, ngô, bắp cải, đậu hà lan, cà rốt, củ cải, cà chua, tỏi đặc biệt là trong các loại cá.

H.Minh

((Theo Health, 9/2016))

Những loại đau đầu ít gặp nhưng không kém phần nguy hiểm

Đau đầu do gắng sức

Loại đau đầu này xuất hiện trong vòng vài phút sau những nỗ lực thể chất, bao gồm tập luyện, quan hệ tình dục, hắt hơi, cười, thậm chí là đi đại tiện.

Khi bạn gắng sức do thực hiện một số hoạt động, áp lực dịch não tủy trong đầu tăng trong một thời gian ngắn. Áp lực này dẫn tới đau, nhưng may mắn là không đáng lo ngại và sẽ hết trong vòng vài phút (hoặc có thể tới 1 giờ)

Trong những trường hợp hiếm, có thể là một rối loạn mạch máu gây đau, vì vậy nếu đau đầu nghiêm trọng đột ngột, bạn cần đi khám bác sĩ.

Đau đầu do cao huyết áp

Đây là loại đau đầu liên quan đến huyết áp, thường xảy ra khi huyết áp tăng cao 200/110 hoặc cao hơn. Khi huyết áp tăng rất cao, mạch máu có thể hạn chế lưu thống máu tới não. Đau đầu do tăng huyết áp có thể cảm thấy giống như đau đầu khi đeo băng-đô, cơn đau thường rất tồi tệ vào buổi sáng, cải thiện hơn trong ngày.

Viêm động mạch tế bào khổng lồ

Nguyên nhân của chứng đau đầu kinh khủng này vẫn chưa được biết đến nhưng tình trạng là cực kỳ nghiêm trọng. Bệnh có liên quan đến viêm và phần lớn xảy ra ở những người trên 60 tuổi, người bệnh thường cũng cảm thấy đau xung quanh khu vực tai khi nhai. Khoảng 1/3 những người bị viêm động mạch tế bào khổng lồ sẽ bị mù, vì vậy, đây là tình trạng cần được chẩn đoán sớm. Các bác sĩ sẽ bắt đầu điều trị với steroid càng sớm càng tốt để phòng ngừa mù và cải thiện đau.

Đau dây thần kinh tam thoa

Càng lớn tuổi, bạn càng dễ bị tình trạng đau này ở thái dương và xung quanh hàm. Cơn đau buốt giống như sốc điện, người bị tình trạng này có thể bị vài đợt sốc mỗi ngày, có thể do động mạch chèn lên dây thần kinh. Theo Hội Đau đầu quốc gia Mỹ, thuốc làm giãn cơ có thể giúp ích nhưng nếu bệnh nhân bị những triệu chứng này dưới 55 tuổi, đó có thể là do bệnh thần kinh, như bệnh xơ cứng rải rác.

BS Cẩm Tú

(Theo Prevention)

Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà

Sốt xuất huyết (SXH) được xem là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người, trong đó trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết chiếm khoảng 70%. Trẻ em tử vong do bệnh SXH vẫn còn rất cao, nhất là những trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết Dengue nặng. Để cải thiện đáng kể tình trạng tử vong do bệnh SXH, việc chăm sóc đúng cách trẻ mắc bệnh SXH tại nhà cần phải được chú trọng vì cho đến thời điểm hiện nay SXH chưa có thuốc đặc trị và vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa.


Đối tượng trẻ em mắc bệnh SXH được chỉ định theo dõi và chăm sóc tại nhà

Theo báo cáo từ Cục thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2012 cả nước ghi nhận khoảng 23.200 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 11 trường hợp tử vong phần lớn là trẻ em.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2009, bệnh SXH gồm 3 phân độ lâm sàng cơ bản sau đây:

Phân độ 1: sốt xuất huyết Dengue.

Phân độ 2: sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.

Phân độ 3: sốt xuất huyết Dengue nặng.

Việc xử trí và điều trị bệnh SXH tùy thuộc từng phân độ lâm sàng theo phác đồ “Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí bệnh sốt xuất huyết” do Bộ Y tế ban hành ngày 16/2/2011.

Người lớn hoặc trẻ em nếu được chẩn đoán là bị sốt xuất huyết Dengue (phân độ 1), hầu hết đều được bác sĩ chỉ định theo dõi và chăm sóc tại nhà, ngoại trừ những trường hợp sau đây:

- Người mắc bệnh sốt xuất huyết là phụ nữ đang mang thai.

- Trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết là trẻ nhũ nhi (trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi).

- Sốt xuất huyết Dengue ở người cao tuổi đang mắc các bệnh mạn tính như hô hấp, tim mạch, cao huyết áp, suy tim, suyễn…

- Người mắc bệnh sốt xuất huyết sống neo đơn hoặc ở quá xa các cơ sở y tế.

Tất cả 4 nhóm đối tượng trên mặc dù chỉ bị sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân vẫn được khuyến cáo cho nhập viện để theo dõi vì sự an toàn cho người bệnh.

Chăm sóc đúng cách trẻ mắc SXH tại nhà                  

Chăm sóc đúng cách trẻ mắc bệnh SXH tại nhà cần tuân thủ 4 nguyên tắc sau đây:

Hạ sốt đúng cách cho trẻ: cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol loại đơn chất với liều 10 - 15mg/kg cân nặng, 4 - 6 giờ một lần. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật cho trẻ.

Đảm bảo việc bù nước và chế độ dinh dưỡng cho trẻ bao gồm:

- Cho trẻ uống nhiều nước: bằng nhiều loại nước uống khác nhau như nước lọc, nước sôi nguội, nước cam, nước chanh, nước dừa tươi, nước canh, nước cháo… và khuyến cáo trẻ nên uống nước oresol (nước biển khô).

- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa… kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp trẻ mau lành bệnh.

- Tái khám mỗi ngày theo hẹn của bác sĩ.

Phát hiện sớm dấu hiệu bệnh trở nặng để cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời: phải theo dõi sát vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh SXH là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6) trẻ có thể trở nặng và sốc dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời. Các dấu hiệu trở nặng của bệnh SXH cần chú ý:

- Trẻ ói mửa nhiều; đau bụng.

- Bứt rứt; quấy khóc; lừ đừ; li bì; tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi.

- Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói máu, đi tiêu phân đen.

Tuyệt đối tránh những tác động không tốt sau đây:

- Không nên cạo gió, cắt lể vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ.

- Không tự ý cho trẻ uống thuốc aspirine hoặc ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày.

-  Không cho trẻ uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như Coca, Pepsi… vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.

- Không cho trẻ SXH truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện, vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh trở nặng và kéo dài, dễ gây phù nề, suy tim nặng… khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu sống trẻ.

ThS.BS ĐINH THẠC

Hội chứng asperger

Thuốc điều trị khò khè do virut ở trẻ

Khi không có các bất thường cấu trúc đường thở, nhiễm virut đường hô hấp cấp tính là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp khò khè ở trẻ em, trong đó, hợp bào hô hấp là loại virut thường gặp nhất. Do thiếu những phương pháp điều trị đặc hiệu virut nên việc điều trị khò khè do virut ở trẻ em là không có sự khác biệt giữa các loại virut. Nói chung, các phương pháp điều trị này phần lớn được lựa chọn dựa trên kinh nghiệm của các thầy thuốc.

Thuốc giãn phế quản: Là nhóm thuốc được dùng rất phổ biến trong điều trị khò khè ở trẻ em, tuy nhiên, việc sử dụng chúng một cách thường quy vẫn còn nhiều tranh cãi và nhiều nghiên cứu đã không tìm ra những bằng chứng khách quan về lợi ích của chúng. Salbutamol (albuterol) là thuốc được sử dụng rộng rãi nhất cho chỉ định này, tuy nhiên, các bằng chứng y học về hiệu quả điều trị của thuốc không hằng định. Một số nghiên cứu quy mô nhỏ đã chỉ ra lợi ích của salbutamol đường khí dung trong điều trị viêm tiểu phế quản do virut ở trẻ em dưới 2 tuổi với việc cải thiện triệu chứng và nồng độ ôxy trong máu. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác lại không tìm thấy tác dụng ổn định của salbutamol trong chỉ định này.

 

Phần lớn các nghiên cứu đều nhận thấy sự cải thiện triệu chứng bệnh xảy ra nhanh chóng sau dùng thuốc nhưng phần lớn những sự cải thiện này đều không kéo dài quá 60 phút. Tóm lại, lợi ích của salbutamol trong điều trị viêm tiểu phế quản là không hằng định, do đó, cần theo dõi sự đáp ứng của từng cá thể và ngưng sử dụng nếu không có sự cải thiện rõ rệt. Adrenalin (epinephrine) cũng là một thuốc giãn phế quản được sử dụng khá thường xuyên trong điều trị viêm tiểu phế quản do virut có tắc nghẽn đường thở. Thuốc có nhiều tác dụng phụ như gây nhịp tim nhanh, run chân tay, hạ kali máu, hạ đường máu..., do đó, không được sử dụng trong điều trị ngoại trú tại nhà.

 

 Nhiễm virut đường hô hấp cấp tính là nguyên nhân của nhiều trường hợp khò khè ở trẻ.
Cũng giống với salbutamol, không có những bằng chứng rõ rệt chứng minh hiệu quả của adrenalin trong điều trị viêm tiểu phế quản do virut. So sánh với salbutamol khí dung, một số nghiên cứu đã nhận thấy ưu điểm vượt trội của adrenalin trong việc giảm mức độ khó thở và nguy cơ nhập viện. Tóm lại, những bằng chứng y học có được cho đến nay không ủng hộ việc sử dụng thường quy salbutamol và adrenalin trong điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ, thay vào đó là sự lựa chọn sử dụng cho từng người bệnh. Việc điều trị chỉ nên tiếp tục nếu nhận thấy có sự cải thiện trên lâm sàng, ngược lại, khi không có sự cải thiện cần ngưng điều trị để tránh các tác dụng phụ.

Thuốc kháng cholinergic: Các dẫn xuất kháng cholinergic như ipratropium bromide... không được tìm thấy có hiệu quả trong điều trị viêm tiểu phế quản do virut. Một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả của ipratropium đơn thuần hoặc phối hợp với salbutamol chỉ tìm thấy những sự cải thiện nhỏ của nồng độ ôxy máu nhưng không tìm thấy lợi ích rõ rệt và ổn định đối với diễn biến và tiên lượng của bệnh.

Kháng sinh: Mặc dù kháng sinh không có tác dụng đối với virut nhưng nhóm thuốc này vẫn được sử dụng khá phổ biến trong điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ em. Khảo sát ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, 34 - 99% số trẻ bị viêm tiểu phế quản do virut vẫn được dùng kháng sinh. Lý do sử dụng kháng sinh thường do trẻ có sốt và rất khó để phân biệt nguyên nhân sốt là do nhiễm vi khuẩn hay nhiễm virut. Nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn ở những trẻ bị viêm tiểu phế quản do virut dao động trong khoảng 0,2-26%. Nói chung, kháng sinh được khuyến cáo dùng trong điều trị viêm tiểu phế quản do virut chỉ khi có bằng chứng rõ ràng của việc bội nhiễm vi khuẩn. Trong trường hợp đó, việc sử dụng kháng sinh không có khác biệt so với những trường hợp không có viêm tiểu phế quản.

Thuốc kháng leukotriene: Các bằng chứng thực nghiệm ở động vật cho thấy các leukotriene được giải phóng khi có tình trạng nhiễm virut cũng như phản ứng viêm và tình trạng tăng tính phản ứng đường thở. Điều này gợi ý các thuốc kháng leukotriene có thể có một vai trò trong điều trị viêm tiểu phế quản cấp do virut. Nhiều nghiên cứu được tiến hành trong những năm qua đã phần nào khẳng định hiệu quả của tiếp cận điều trị này trong thực tế.

 

Theo những nghiên cứu này, montelukast (một dẫn xuất kháng leukotriene), giúp tăng số ngày không triệu chứng và giảm triệu chứng ho về ban ngày so với giả dược khi được dùng điều trị kéo dài trong và sau đợt cấp của viêm tiểu phế quản do virut. Nói chung, hiệu quả của montelukast ở trẻ nhỏ rõ rệt hơn so với các trẻ lớn, điều này được cho là do sự khác biệt trong sản xuất leukotriene liên quan đến tuổi. Hiện nay, vai trò dự phòng viêm tiểu phế quản khi được dùng trước mùa virut của các thuốc kháng leukotriene là vấn đề vẫn đang cần được nghiên cứu tìm lời giải.            

  BS.Nguyễn Hữu Trường (BV Bạch Mai)

Mùa bệnh trẻ em

Thời tiết cũng là yếu tố  ảnh hưởng quan trọng đến các vấn đề sức khỏe trẻ em. Đáng lưu ý  dễ mắc bệnh nhất là những tháng cuối năm, khi tiết trời trở lạnh. Do vậy, mùa lạnh còn được gọi là mùa bệnh ở trẻ em.

Mùa lạnh là mùa bệnh trẻ em

Thống kê tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM cho thấy, thời tiết chuyển lạnh là mùa đông bệnh nhất trong năm. Nguyên nhân do trẻ không thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của mình như người lớn, có thể nhiễm lạnh rất nhanh nên dễ mắc bệnh. Thời tiết lạnh thích hợp cho nhiều loại virút hô hấp phát triển và hoành hành gây bệnh.

Các bệnh hô hấp lây lan rất nhanh qua các giọt dịch tiết hô hấp bắn ra khi trẻ bệnh hắt hơi, sổ mũi, khạc nhổ. Trẻ đi học tiếp xúc gần gũi với các trẻ khác trong môi trường học tập, đây là điều kiện lây lan, làm nhiều trẻ khác cùng mắc bệnh.

Đáng chú ý, mùa lạnh còn là mùa chào đời của những trẻ sơ sinh, nhỏ bé và yếu ớt, có nguy cơ mắc bệnh và dễ bị nặng nên việc phòng bệnh cho trẻ trong mùa lạnh là điều rất cần thiết mà các bậc phụ huynh cần chú ý.

Mùa bệnh trẻ em 1
Tắm trẻ trong phòng kín gió, đảm bảo nước tắm ấm (32oC)

Những vấn đề sức khỏe trẻ em trong mùa lạnh

Mùa lạnh ở nước ta có sự chênh lệch thời tiết trong ngày: lạnh nhiều vào chiều tối và buổi sáng nhưng lại nóng hơn vào buổi trưa, đan xen những đợt mưa bão cùng những ngày áp thấp nhiệt đới. Khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể lại giảm theo tuổi do vậy trẻ em bị mất nhiệt nhanh hơn so với người lớn. Tình trạng mất nhiệt chủ yếu xảy ra qua da, hơi thở. Đó là lý do trời lạnh, trẻ có nguy cơ bị nhiễm lạnh, tổn thương đường thở và ở da.

- Nhiễm lạnh do không được giữ đủ ấm, làm trẻ bị run rẩy, da sờ thấy lạnh, buồn ngủ, nói năng líu nhíu. Nặng hơn trẻ bị tê cóng, hệ thần kinh và các cơ quan hoạt động chậm đi làm trẻ lú lẫn, hôn mê, thở chậm, nhịp tim chậm hơn , ảnh nưởng đến tính mạng.

- Hít thở không khí lạnh, đường thở của trẻ bị khô đi tạo điều kiện cho các loại virút phát triển mạnh mùa lạnh bám lên đó và gây bệnh hô hấp. Cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm amiđan, viêm thanh khí quản, viêm phế quản, viêm phổi, suyễn, nếu không chăm sóc thích hợp có thể trở nặng nguy hiểm. Nếu tự ý điều trị kháng sinh, nhỏ mũi, xông thuốc, dùng thuốc không đúng có thể làm bệnh khó điều trị hoặc diễn tiến kéo dài, có thêm biến chứng.

- Da trẻ mỏng manh, cấu trúc da chưa hoàn thiện nên dễ bị ngứa và khô đi khi trời lạnh. Nổi mẩn dị ứng, hoặc mề đay do lạnh, chàm da làm trẻ ngứa ngáy, khó ngủ. Da khô do không đủ ẩm sẽ bị xước hoặc nứt nẻ, gây đau và khó chịu.      

- Trời lạnh làm trẻ thèm ăn và thích ăn ngọt hơn là nguy cơ tăng cân đối với trẻ béo phì. Chu kỳ ngày đêm cũng thay đổi, ngày ngắn đêm dài hơn, làm trẻ ngủ nhiều không thức dậy đúng giấc khiến cơ thể dễ suy nhược. Một số trẻ lớn có thể bị rối loạn tâm lý theo mùa như: dễ cáu kỉnh, buồn bã, mệt mỏi, khó tập trung, không còn hứng thú với các hoạt động thú vị trước đó. Những thay đổi này dễ dẫn đến những xung đột với những người xung quanh.

Giữ cho trẻ đủ ấm

Da là cơ quan tỏa nhiệt chủ yếu để duy trì thân nhiệt ổn định, chiếm gần 90% lượng nhiệt của cơ thể, trong đó, gần 50% qua da đầu do tỉ lệ đầu trên cơ thể lớn hơn ở người lớn. Mất nhiệt tăng lên ở trẻ sơ sinh, hoặc khi trẻ bị lạnh, ướt. Một số cách giúp trẻ đủ ấm cho trẻ như sau:

- Mặc cho trẻ quần áo ấm, đội nón, quấn khăn, mang bao tay, vớ tất. Tránh quần áo quá chật hoặc băng rốn, quấn tã quá chặt. Quấn chặt không làm trẻ ấm hơn như mong muốn.

- Giữ cho phòng ngủ không bị gió lùa và ấm cả ngày lẫn đêm. Trẻ sơ sinh nằm cùng giường với mẹ. Bú mẹ, cũng là một cách giữ ấm.

- Tránh giữ ấm bằng nằm than, chai nước nóng hay gạch hơ nóng vì có thể gây tổn thương da trẻ.

Khi tắm trẻ có nguy cơ mất nhiệt, phương pháp tắm nhiều bước giúp trẻ được ấm như sau:

- Tắm trong phòng kín gió. Chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để trẻ không bị cởi trần lâu và tắm được nhanh hơn. Đảm bảo nước tắm ấm (32oC).

- Rửa mặt trẻ trước, gội đầu sau cùng. Sau khi gội, lau khô tóc và da đầu cho trẻ ngay, lau nhiều lần đến khi đảm bảo tóc khô.

- Tắm nhanh cho trẻ. Lau khô trẻ thật nhanh và hoàn toàn bằng khăn ấm. Mặc quần áo, áo ấm. Trẻ nhỏ đội mũ, quấn tã và đặt vào mẹ ngay.

Không tự ý dùng kháng sinh, nhỏ mũi, xông thuốc

Các biện pháp giúp trẻ phòng chống bệnh mùa lạnh cần áp dụng thường xuyên để tăng cường sức khỏe:

- Giúp trẻ ăn bổ, ngủ ngon, học đủ, chơi an toàn. Chọn thức ăn nóng, uống nước ấm. Tránh ăn thức ăn lạnh, quá mặn hoặc quá ngọt. Giữ da và rốn trẻ sạch khô. Dùng kem dưỡng ẩm duy trì độ ẩm da. Cắt móng tay ngắn, tránh gãi ngứa. Không tự ý băng, đắp thuốc theo kinh nghiệm.

- Dạy trẻ thói quen vệ sinh:

- Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người chăm sóc cũng phải thường xuyên rửa tay trước khi ẵm bồng hoặc chăm sóc trẻ, chế biến thức ăn và cho trẻ ăn uống.

- Che miệng mũi khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi. Không dùng tay để dụi mắt, chùi quẹt mũi.

- Dạy trẻ không dùng chung khăn lau, không ăn uống chung chén, ly, muỗng với trẻ khác.

- Đảm bảo chủng ngừa đầy đủ, lưu ý ngừa cúm và Rotavirus.

- Chỉ dùng thuốc kháng sinh, xịt mũi, nhỏ mũi, hoặc xông thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

BSCK2 NGUYỄN THỊ KIM THOA


Thực đơn tăng cường trí nhớ và cải thiện lưu thông máu cho não

Nếu bạn đang cảm thấy hay quên, nguyên nhân có thể là do sự thiếu ngủ hoặc một số nguyên nhân khác bao gồm di truyền, hoạt động thể chất quá mức và có thể do lối sống chưa phù hợp và ảnh hưởng của các yếu tố môi trường. Tuy nhiên, không có nghi ngờ gì nữa chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe não bộ và cải thiện trí nhớ của bạn.

Thực đơn tăng cường trí nhớ của bạn

Thực đơn tốt nhất để thúc đẩy bộ nhớ và chức năng của não là thực đơn giúp tăng cường lưu thông máu tốt cho não. Một nghiên cứu gần đây cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải giúp bộ não chậm lão hóa và phát triển tốt cho cơ thể. Có nhiều bằng chứng cho thấy liên quan giữa những người sử dụng chế độ ăn Địa Trung Hải với cải thiện tốt hơn chức năng nhận thức, trí nhớ và sự tỉnh táo.

Một số thực phẩm để giúp tăng cường trí nhớ của bạn như sau:

Rau quả giàu flavonoid tăng cường trí nhớ

Ăn rau đầy đủ, đặc biệt là rau họ cải gồm bông cải xanh, cải bắp, rau lá xanh đậm, có thể giúp cải thiện trí nhớ. Hãy thử món salad cải xoăn hoặc thay thế rau xanh trong sandwich cuộn. Bông cải xanh xào cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho bữa ăn trưa hoặc ăn tối.

Các loại quả mọng, đặc biệt là những quả có màu tối như mâm xôi, quả việt quất và anh đào là một nguồn giàu chất anthocyanins và flavonoid có thể tăng cường chức năng bộ nhớ. Thưởng thức một số ít các loại quả mọng cho một món ăn, trộn vào ngũ cốc hoặc nướng thành một món tráng miệng chống oxy hóa phong phú. Bạn có thể nhận được những lợi ích từ quả tươi đông lạnh hoặc khô và anh đào.

tri nho, thuc don tang cuong tri nho

Thực đơn Địa Trung Hải giúp bạn thông minh hơn

Dung nạp acid béo omega-3 thật đầy đủ để trí não khỏe mạnh

Chúng cần thiết cho sức khỏe não bộ, acid béo omega-3, acid docosahexaenoic (DHA) nói riêng, có thể giúp cải thiện trí nhớ ở người lớn trẻ khỏe mạnh. "DHA là acid béo nhiều nhất trong não. Nó tạo ra cảm giác rằng nếu bạn có mức độ cao DHA trong máu, thì não sẽ hoạt động hiệu quả hơn" Andrea Giancoli, RD, chuyên gia dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho hay.

Hải sản, tảo và cá béo - bao gồm cá hồi, cá ngừ vây xanh, cá mòi và cá trích - là một số trong những nguồn tốt nhất của acid béo omega-3. Cá thay thế cho thịt một vài lần mỗi tuần để có được một liều acid béo omega-3 lành mạnh. Cá nướng cho hương vị thật tuyệt vời. Hãy thử cá hồi với bắp cải tím hoặc củ cải đỏ, ăn cá mòi hoặc thưởng thức cá ngừ nướng với rau salad cho bữa tối. Nếu bạn không ăn cá, nên bổ sung acid béo omega-3 từ dầu cá, rong biển hoặc tảo bổ sung.

Dùng thêm quả óc chó để trí nhớ minh mẫn

Quả óc chó nổi tiếng với một tác động tích cực đối với sức khỏe tim mạch, quả óc chó cũng có thể cải thiện trí nhớ. Ăn nhẹ một số ít quả óc chó khi đói, thêm chúng vào bột yến mạch hoặc salad hoặc trộn chúng với một loại rau xào.

Những loại thực phẩm đề cập trên không chỉ tốt cho não, chúng còn duy trì một trái tim khỏe mạnh và có lợi cho tất cả các bộ phận của cơ thể.

TS.BS. Lê Thanh Hải

(tham khảo Eat Right)

9 việc nên làm vào buổi sáng

Buổi sáng chính là thời điểm tốt để nâng cao sức khỏe thể chất, duy trì sự khỏe mạnh. Một ngày mới bắt đầu như thế nào sẽ quyết định chỉ số tâm trạng và sức khỏe của cả một ngày. 9 điều dưới đây sẽ giúp tăng cường sức khỏe của bạn.

1. Bắt đầu một buổi sáng bằng âm nhạc: Hãy để một bản nhạc vui tươi, sống động đánh thức bạn. Thức giấc bằng âm nhạc, mở nhạc trong lúc vệ sinh, ăn sáng sẽ khiến cho buổi sáng của bạn hứng khởi hơn nhiều.

2. Cốc nước mật ong: Cốc nước ấm vào buổi sáng được rất nhiều người coi là bí mật sắc đẹp. Uống nhiều nước không chỉ giúp cơ thể bài tiết tốt, thanh lọc hiệu quả mà còn giúp giữ độ ẩm da và khôi phục độ đàn hồi da. Một phương thức truyền thống là uống mật ong vào buổi sáng, nước muối loãng trước khi đi ngủ. Cốc nước mật ong sẽ giúp cung cấp nước cho cơ thể, kích thích nhu động ruột cũng là lợi ích lớn cho làn da. Nhưng chú ý là sử dụng nước dưới 50 độ C để pha mật ong, nước quá nóng sẽ phá hủy một số chất dinh dưỡng.

Uống một ly nước ấm pha mật ong, hít thở không khí trong lành, vận động nhẹ nhàng buổi sáng... là những biện pháp trong mơ thúc đẩy năng lượng một ngày mới.

3. Đi vệ sinh: Sau một đêm tích tụ trao đổi chất, ruột và bàng quang đã chứa nhiều chất thải. Vì vậy, bạn nên bắt đầu thực hành thói quen vệ sinh vào buổi sáng. Thói quen tốt sẽ là tiền đề bảo đảm sức khỏe suốt cuộc đời.

4. Gõ hai hàm răng: Nhẹ nhàng va hai hàm răng vào nhau có tác dụng tốt trong việc rèn luyện và tăng cường sức khỏe răng miệng. Tranh thủ vài chục giây sau khi đánh răng để thực hiện động tác đơn giản này bạn sẽ thấy răng miệng được cải thiện rõ rệt.

5. Hít thở sâu 10 lần: Vào những ngày thời tiết thuận lợi, bạn có thể cho phép mình đứng trên ban công, từ từ hít vào, giữ hơi một lúc rồi thở ra, lặp lại động tác khoảng 10 lần. Không khí buổi sáng trong lành sẽ làm tăng ôxy của cơ thể mang lại năng lực và giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng.

6. Đánh răng bằng nước ấm: Các chuyên gia nha khoa khuyến cáo không nên đánh răng bằng nước quá lạnh hay quá nóng vì các kích thích nóng, lạnh đột ngột sẽ ảnh hưởng đến sự trao đổi chất bình thường của răng và nướu răng, dễ dẫn đến bệnh răng miệng, làm giảm tuổi thọ của răng. Các chuyên gia y tế Nhật Bản khuyên rằng, nên sử dụng nước ấm 35 - 39 độ C để đánh răng là bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe răng miệng.

7. Vận động nhẹ: Vào buổi sáng, nếu có thời gian thì thực hiện được vài động tác yoga nhưng nếu quá bận thì hãy tận dụng những khoảng thời gian ngắn để “đánh thức” cơ thể bằng cách gõ nhẹ nhàng vào cơ thể hoặc làm các động tác lắc hông, ngồi xổm... giúp kích thích mạch máu lưu thông. Cũng nên thoa kem dưỡng da nhẹ nhàng, vỗ nhẹ trên da có thể giúp tăng tốc độ hấp thụ chất dinh dưỡng. Đó cũng là một bí quyết làm đẹp của các cô gái Thượng Hải.

8. Bữa sáng ấm áp: Một bữa sáng ấm áp trước khi đi ra ngoài thay vì ăn thức ăn lạnh sẽ tốt cho sức khỏe của bạn. Thời điểm ăn sáng tốt nhất là sau khi bạn thức giấc nửa giờ.

9. Nụ cười: Nụ cười là biểu hiện hấp dẫn nhất để bắt đầu một ngày mới. Nó cũng giúp bạn cảm thấy tự tin hơn để đối mặt với những thách thức. Với nụ cười, hãy tự nói với mình “Một ngày mới tốt lành sẵn sàng để bắt đầu”.

Ngọc Anh ( Theo LifeHackh )

Cẩn thận khi trẻ mắc bệnh sởi, quai bị, rubella

Sởi, quai bị và Rubella là ba loại bệnh gây ra bởi siêu vi trùng và rất dễ lây lan. Trẻ có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc với dịch tiết bắn ra từ người bệnh lúc người bệnh ho, hắt hơi, nhảy mũi. Với ba loại bệnh này, hầu hết trẻ khi mắc bệnh đều hồi phục hoàn toàn sau một thời gian ngắn. Tuy vậy, ở những trẻ có sức đề kháng kém, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, bệnh xảy ra có thể diễn tiến nặng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Trẻ cần tiêm vaccin để phòng ngừa sởi, quai bị, rubella. Ảnh minh họa

Dễ lây lan và biến chứng nguy hiểm

Thực tế, nhiều người còn thiếu hiểu biết và rất chủ quan với căn bệnh này nên dẫn tới những trường hợp bệnh nặng, thậm chí tử vong đáng tiếc. Điển hình gần nhất là trường hợp một bé trai hơn 2 tuổi trong tình trạng toàn thân nổi ban đỏ, sốt cao và bé rất mệt mỏi. Mẹ bé cho biết bé bị bệnh sởi, vì gia đình sợ bé ra gió sẽ nặng thêm nên lúc nào cũng ủ kín bé. Sau khi được tư vấn gia đình mới hiểu do chăm sóc sai nên bé mới bị nặng thêm.

Hiện nay sởi, quai bị và rubella là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em vì khả năng lây nhiễm khá cao trong cộng đồng và có khả năng tạo thành dịch lớn. Khi nhiễm bệnh thì sẽ có nhiều tác động bất lợi trên sức khỏe trẻ. Nguy hiểm nhất là những biến chứng các bệnh này để lại như viêm não, viêm phổi, viêm tinh hoàn ở trẻ nam, viêm buồng trứng ở bé gái, viêm khớp hoặc hội chứng rubella bẩm sinh làm trẻ sinh ra bị rất nhiều dị tật trên cơ thể như điếc, mù, bệnh tim bẩm sinh và kém phát triển. Ngoài ra, sởi được xem là nguyên nhân phổ biến gây tử vong cho trẻ em, quai bị có thể gây vô sinh ở nam giới.

Nhận biết bệnh

Hầu hết khi trẻ mắc bệnh sởi, quai bị và rubella có triệu chứng giống nhau như sốt, ho, đau nhức. Bệnh sởi sẽ xuất hiện ban dạng sẩn đầu tiên là ở sau tai sau đó lan đến mặt rồi lan dần xuống bụng và toàn thân. Sau khi hết sẽ để lại vết thâm trên da. Nổi ban dày và màu nhạt hơn ban sởi là bệnh rubella, bên cạnh đó kèm theo tình trạng sưng hạch, đau khớp. Quai bị thường bị sưng tuyến mang tai, gây đau nhức khi nhai và sưng tinh hoàn.

Riêng đối với trẻ có hội chứng rubella bẩm sinh thường có những dấu hiệu như đục thủy tinh thể và giảm thính giác nhưng chỉ có thể nhận thấy từ 2 - 4 năm sau.

Tiêm ngừa phòng bệnh

Khi trẻ nhiễm bệnh có dấu hiệu sốt trên 38,50C nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Nếu trẻ ho có thể cho uống thuốc giảm ho. Về chế độ ăn uống, phải đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, mềm và có thể chia nhỏ khẩu phần ăn làm nhiều lần trong ngày giúp trẻ dễ tiêu hóa. Nên cho trẻ uống thêm nhiều nước đặc biệt là các loại nước ép trái cây giàu vitamin C. Hạn chế cho trẻ vận động thể lực mạnh như chạy nhảy, đùa giỡn. Ngoài ra, phải giữ vệ sinh tốt cho trẻ để tránh nhiễm thêm vi trùng, tuyệt đối không nên ủ kín hoặc kiêng tắm khi trẻ bị sởi bởi sẽ làm cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Bên cạnh đó cần chú trọng việc vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ và cách ly trẻ lành với người bệnh.

Cách phòng ngừa bệnh sởi, quai bị và rubella cho trẻ hiệu quả nhất là tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh. Hiện nay đã có vắc-xin 3 trong 1 (một mũi tiêm chứa cả 3 thành phần sởi, quai bị và rubella) giúp phòng ngừa các bệnh này. Trẻ từ 12 - 15 tháng tuổi có thể tiêm ngừa để phòng tránh hiệu quả các bệnh này.

ThS. BS. ĐINH THẠC

Cải thiện và phòng tránh tật khúc xạ ở trẻ em

Theo điều tra của Bệnh viện Mắt trung ương cho thấy, tỷ lệ tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị... ngày càng gia tăng, từ 2,5% trong năm 2002 lên 25%-30% năm 2007, đặc biệt ở trẻ em lứa tuổi đến trường và tập trung ở các đô thị. Tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có tới hơn 40% học sinh phổ thông mắc các tật khúc xạ...

Tật khúc xạ ảnh hưởng đến 2,5 tỷ người (khoảng 20% dân số) trên toàn thế giới. Ở nước ta tỷ lệ mắc tật khúc xạ ngày càng tăng ở trẻ với khoảng 3 triệu trẻ em trong cả nước cần đeo kính. Đặc biệt, học sinh thành thị mắc tật khúc xạ có tỷ lệ rất cao, chiếm tới 40% - 50% số học sinh, trong khi tỷ lệ học sinh ở nông thôn bị tật khúc xạ chỉ chiếm khoảng 15%. Không có gì ngạc nhiên khi con số thống kê cho biết 79% các em bị tật khúc xạ là cận thị. Nhẩm tính ra tiền kính, tiền thuốc, tiền khám bệnh mỗi cháu cũng gần đến tiền triệu.

 

Chưa kể những bất tiện cho trẻ đeo kính, nguy cơ tiềm tàng về tai nạn do mắt kính, gọng kính và các biến chứng khác. Tính phổ biến của tật khúc xạ, gánh nặng chi phí, nguyên nhân phức tạp, hiệu quả điều trị không cao... đã làm hệ thống y tế và cả xã hội bối rối mà chưa biết tháo gỡ từ đâu. Để kiểm soát được tật khúc xạ, điều quan trọng là chúng ta phải nhìn nhận đúng đắn về trục bệnh lý: tật khúc xạ- lác- nhược thị, mối quan hệ nhân quả và những việc cần làm ngay vì lợi ích của trẻ.

Phát hiện sớm bất thường chức năng nhìn của trẻ

Nhìn chung mắt có tật khúc xạ là mắt có thị lực kém và trẻ thường biểu hiện bằng nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có thể có nhức đầu, nhức mắt... Trong lớp học, trẻ không nhìn rõ trên bảng, hay cúi đầu lại gần sách để nhìn cho rõ, hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Những trường hợp này cần được phát hiện sớm và có phương hướng điều trị thích hợp.

Chức năng của mắt là giúp cho chúng ta nhìn rõ được những vật ở xung quanh. Mắt bình thường (hay còn gọi là mắt chính thị, mắt không có tật khúc xạ) là mắt có hình ảnh của vật hội tụ đúng trên võng mạc và chỉ khi đó thì vật mới được nhìn rõ. Khi mắt không có khả năng hội tụ một cách chính xác những tia sáng đi từ ngoài vào mắt đúng trên võng mạc thì gọi là mắt có tật khúc xạ. Đây là bệnh rất hay gặp ở trẻ em, cần nhận biết và có biện pháp khắc phục sớm.

Cận thị là mắt có trục nhãn cầu dài hơn bình thường hoặc công suất khúc xạ quá lớn, khi đó hình ảnh của vật rơi vào phía trước của võng mạc. Người bị cận thị nhìn xa mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ nhờ vào chức năng điều tiết của mắt trừ khi cận thị quá nặng. Cận thị có thể là bẩm sinh hay mắc phải. Điều chỉnh mắt cận thị là đeo kính phân kỳ để giúp cho ảnh của vật rơi đúng vào võng mạc và khi đó vật sẽ được nhìn rõ.

Viễn thị ngược lại với mắt cận thị là mắt có trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường và khi đó hình ảnh của vật rơi vào phía sau của võng mạc. Người bị viễn thị nhìn xa rõ hơn nhìn gần. Điều chỉnh mắt viễn thị bằng đeo kính hội tụ để kéo ảnh của vật về đúng trên võng mạc. Cần lưu ý là mắt viễn thị thường gây nhược thị và có thể là yếu tố gây ra lác điều tiết nên cần phải được phát hiện và điều trị sớm.

Loạn thị là mắt có các kinh tuyến khúc xạ không đều nhau. Vật nhìn không in hình rõ nét trên võng mạc và người bệnh nhìn mờ cả xa và gần. Trẻ bị loạn thị thường nhìn mờ khi nhìn lên bảng hay đọc nhầm chẳng hạn như chữ H đọc thành chữ N, chữ B đọc thành chữ H, chữ I đọc thành chữ T... Loạn thị có thể là đơn thuần hoặc phối hợp với cận thị hay viễn thị. Điều chỉnh mắt loạn thị bằng cách đeo kính trụ.

Lệch khúc xạ là hiện tượng có sự khác nhau về khúc xạ giữa hai mắt có thể là một mắt cận còn mắt kia viễn hoặc cả hai mắt cùng cận hay cùng viễn nhưng khác nhau về mức độ. Đôi khi là một mắt chính thị còn mắt kia là cận thị đơn thuần, viễn thị đơn thuần hay cận loạn hoặc là viễn loạn.

Những trường hợp này cần được phát hiện sớm và đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để có phương hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra trẻ phải tuân thủ đầy đủ chế độ vệ sinh học đường như tư thế ngồi học, bàn ghế, bảng đen, ánh sáng phòng học, chế độ giải lao vui chơi và dinh dưỡng hợp lí để không bị mắc phải cận thị học đường hoặc nếu có bị những tật khúc xạ bẩm sinh thì cũng không bị nặng hơn.

 

Đây là mẫu, bạn có thể sửa lại ảnh, màu nền, kích cỡ của bảng tùy theo nhu cầu.

Nhìn nhận đúng về lác mắt

Mắt có tật khúc xạ là mắt có thị lực kém và trẻ thường biểu hiện bằng nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có thể có nhức đầu, nhức mắt...

Lác mắt là hiện tượng lệch trục nhãn cầu biểu hiện bằng độ lác khi quan sát thấy. Đây không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn gây ra nhược thị và rối loạn thị giác hai mắt đi kèm. Lác có thể là lác trong (khi nhãn cầu lệch vào trong), lác ngoài (khi nhãn cầu lệch ra ngoài) hay lác đứng (khi nhãn cầu lệch lên trên hoặc xuống dưới). Khi mắt bị lác, hai mắt sẽ nhìn theo hai hướng khác nhau và sẽ bị nhìn hai hình. Lúc đó não sẽ xoá bỏ hình ảnh của mắt lác ức chế không cho mắt này nhìn và gây ra nhược thị. Vì vậy, người bệnh sẽ mất khả năng nhìn bằng hai mắt đồng thời sẽ không có được thị giác hai mắt. Bất cứ trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên xuất hiện lác cần phải coi là nghiêm trọng và phải được đưa đi khám ngay.

Điều trị lác có 3 bước liên quan chặt chẽ với nhau là: điều trị nhược thị, điều trị thẳng trục nhãn cầu để hết lác và điều trị phục hồi thị giác hai mắt. Thời gian điều trị lác càng sớm càng tốt, điều trị sớm không những rút ngắn thời gian điều trị mà còn tăng cường hiệu quả điều trị và nâng cao cơ hội phục hồi thị giác hai mắt. Các phương pháp điều trị khác nhau như: đeo kính, bịt mắt tập chỉnh quang, điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật... Ngoài ra, trẻ sau khi điều trị khỏi lác vẫn cần phải theo dõi lâu dài và duy trì kết quả điều trị đã đạt được.

Nhược thị và khiếm thị

Nhược thị là hiện tượng mắt kém ở một hoặc hai bên do các nguyên nhân khác nhau như: lác mắt, do tật khúc xạ hay một số bệnh lí tại mắt. Tuy nhiên nhược thị có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu như được phát hiện sớm và điều trị đúng. Các phương pháp điều trị nhược thị có thể là đeo kính, bịt mắt lành, tập chỉnh quang hay phẫu thuật...

Khác với nhược thị, khiếm thị là một tình trạng khiếm khuyết về chức năng của cơ quan thị giác gây ra bởi các bệnh mắt bẩm sinh, di truyền hay mắc phải, do chấn thương mắt trong cuộc sống... mà không thể điều trị khỏi được bằng các phương pháp điều chỉnh khúc xạ, bằng thuốc hay bằng phẫu thuật. Phương pháp điều trị đối với trẻ bị khiếm thị là sử dụng các phương tiện trợ thị thích hợp để giúp cho trẻ có thể tận dụng một cách hữu ích nhất phần thị lực còn lại để có thể hoà nhập với cuộc sống cộng đồng.  

Trong lúc chờ đợi những phương pháp điều trị hiệu quả hơn, triệt để hơn thì việc quan tâm sát sao đến những bất thường thị giác của trẻ, có những hiểu biết nhất định để phối hợp tốt với các bác sĩ mắt khắc phục tật khúc xạ bằng kính thông thường thiết nghĩ vẫn là phương châm tốt cho tất cả mọi người.

 BS. Đỗ Quang Ngọc - BS. Hoàng Cương

Tổn thương da và niêm mạc ở trẻ nhiễm HIV

Tổn thương da là một trong các bệnh lý nhiễm trùng cơ hội hay gặp ở trẻ nhiễm HIV/AIDS. Biểu hiện của tổn thương da có liên quan chặt chẽ với tình trạng suy giảm miễn dịch. Việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng và một số xét nghiệm được chỉ định khi cần thiết.

Nhiễm trùng tại chỗ

Biểu hiện của nhiễm trùng tại chỗ là mụn, nhọt ngoài da, chốc, viêm loét, đến viêm cơ, xương. Trẻ có thể có biểu hiện sốt. Các nhiễm trùng tại chỗ này có thể do vi khuẩn (thường do tụ cầu, liên cầu tan huyết), do nấm (Candida, Penicillium marneffei...), do virut (HSV, VZV, HPV) và các loại ký sinh trùng khác như ghẻ, dị ứng, côn trùng.

Việc chẩn đoán và điều trị các nhiễm trùng tại chỗ cũng giống như đối với trẻ không nhiễm HIV. Nếu là vi khuẩn có thể dùng thuốc kháng sinh như amoxiciclin hoặc oxacilin. Nếu do virut (VZV, HPV) dùng thuốc chống virut acyclovir. Dùng đường tiêm hay uống tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh.

Chăm sóc trẻ nhiễm HIV tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2 (xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội). Ảnh:Hải Ninh
Nhiễm nấm Candida

Nhiễm nấm Candida thường có do suy giảm miễn dịch nặng. Bệnh dai dẳng, hay tái phát.

Candida miệng: tạo thành mảng, đám giả mạc trắng, dễ bong ở lưỡi, lợi, trong má, vòm họng. Có thể dùng clotrimazol viên ngậm, miconazol, nystatin đánh lưỡi.

Candida họng, thực quản: có triệu chứng khó nuốt, nuốt đau. Dùng fluconazol trong 2-3 tuần.

Candida da: dát đỏ lan tỏa, đóng vẩy, xung quanh có sẩn vệ tinh, có thể có mụn mủ hay viêm nang lông mủ, hay ở nách, bẹn, quanh móng. Bệnh nấm Candida xâm nhập dùng amphotericin B trong 2 - 3 tuần.

Việc chẩn đoán dựa vào lâm sàng. Nếu điều trị không thuyên giảm soi tươi tìm nấm hoặc soi thực quản. Nuôi cấy để phân loại nếu biểu hiện lâm sàng không điển hình.

Dạng nốt sẩn nổi trên da

Có các triệu chứng toàn thân như sốt cao kéo dài, có biểu hiện thiếu máu; gan, lách, hạch to; sụt cân, xuất hiện khi tế bào CD4 ở ngưỡng suy giảm miễn dịch nặng. Việc chẩn đoán dựa vào lâm sàng. Nguyên nhân do nấm:

Nấm Penicilium marneffei: hay gặp (chiếm 70% bệnh nấm). Có triệu chứng toàn thân. Ban thường nổi trên mặt da có hoại tử đen ở vùng trung tâm, chủ yếu ở đầu, mặt, phần trên thân mình. Tế bào CD4 thường <15%.

 Tổn thương da do zona.

Nấm Cryptococcus neoformans:

ít gặp hơn (chiếm 10% bệnh nấm), thường xuất hiện ở trẻ trên 6 tuổi. Có triệu chứng toàn thân. Ban toàn thân, dạng nốt sẩn, có thể có loét và hoại tử ở trung tâm. Thường có tổn thương viêm màng não hoặc viêm phổi. Tế bào CD4 thường dưới 100/mm3.

Nấm Histoplasma: ít gặp (chiếm 5 - 10% bệnh nấm). Có triệu chứng toàn thân. Hay kèm theo tổn thương phổi, màng não, tiêu chảy. Đôi khi tổn thương da là dát sẩn và ban xuất huyết.

Có thể soi tươi hoặc cấy tổ chức tổn thương tìm nấm. Ngoài ra dạng nốt sẩn nổi trên da còn gặp ở dạng:

U mềm lây: hay gặp, không có triệu chứng toàn thân với các biểu hiện sẩn trong, hình bán cầu lõm giữa, chứa chất bã đậu, không hoại tử, thường ở mặt hoặc sinh dục, ngực, bụng, cánh tay, mông, đùi.

U nhú ở người (bệnh mào gà sinh dục): có u nhú giống súp lơ, màu hồng tươi, mềm, có chân, không đau, dễ chảy máu. Hoặc dạng hạt cơm phẳng rộng hoặc hạt cơm có sẩn sừng dày lên, khu trú ở hậu môn, sinh dục. Không có triệu chứng toàn thân...

Các thuốc điều trị đối với nấm dùng amphotericin B, itraconazol, fluconazol. Đối với u mềm lây dùng phương pháp đốt lạnh hoặc nạo tổn thương. Nếu không có hiệu quả dùng thuốc bôi imiquimod hoặc cidofovir. Liệu pháp ARV có tác dụng phòng và điều trị u mềm lây. Đối với u nhú: bôi podophylin hoặc acid trichloroacetic. Nếu tổn thương ở họng miệng chỉ định đốt lạnh, đốt điện, laser.

Lưu ý: Khi dùng podophyllin chỉ chấm vào tổn thương, không để giây ra da và niêm mạc lành. Sau khi bôi thuốc từ 1- 4 giờ, bệnh nhân phải rửa chỗ bôi thuốc. Sau 4 - 6 tuần không kết quả thì dùng biện pháp đốt.

Ban dạng phỏng nước

Nguyên nhân là do virut trong các bệnh cảnh:

Zona (giời leo) do Herpes zoster (HZV): với biểu hiện phỏng nước, đau rát, ở một bên cơ thể, dọc theo tiết đoạn thần kinh da, thường là vùng liên sườn, ngực, đầu, mặt.

Thủy đậu do Varicella zoster- (VZV): phỏng nước nhiều giai đoạn, khắp cơ thể, khi vỡ để lại vết loét.

Herpes simplex (HSV): nhiều mụn nước, vỡ tạo thành vết loét chợt rồi đóng vẩy, khu trú quanh miệng, hậu môn, sinh dục. Nếu lan đến thực quản gây khó nuốt, nuốt đau, có thể lan đến khí - phế quản. Bệnh hay tái phát và có thể có biến chứng viêm não.

Điều trị: Bôi xanh methylen, milian tại chỗ chống bội nhiễm. Thuốc chống virut tại chỗ ít có hiệu quả, gây kích thích tổn thương. Thuốc toàn thân có tác dụng tốt nhất đối với HZV trong vòng 72 giờ đầu có nốt phỏng. Thể nhẹ, chức năng miễn dịch tốt uống acyclovir trong 7 ngày. Thể nặng, zona lan tỏa tiêm tĩnh mạch acyclovir 7 - 14 ngày. Phòng tái phát 1 lần trở lên trong một tháng dùng acyclovir kéo dài. 

BS. Nguyễn Bích Ngọc

Can thiệp sớm trầm cảm sau sinh

Đa số phụ nữ đều trải qua những thay đổi tâm lý ngay sau khi sinh. Các cảm xúc đó thường không kéo dài, chỉ vài ngày và hầu hết đều vượt qua nhẹ nhàng. Tuy nhiên cần chú ý những dấu hiệu tâm lý tiêu cực, kéo dài phải can thiệp và điều trị sớm.

Sau khi sinh, một số phụ nữ có thể chợt vui, chợt buồn, lo âu, dễ bị kích thích, khó tập trung, mất cảm giác ngon miệng hoặc khó ngủ,… Thường xảy ra ở những bà mẹ sinh con đầu lòng do trong quá trình sinh nở gặp biến cố, sau khi sinh bị áp lực về nuôi con, gia đình không có sự thống nhất về phương pháp,... chăm sóc trẻ, thiếu sự quan tâm của chồng gây căng thẳng cho sản phụ...

Can thiệp sớm trầm cảm sau sinh 1
Ảnh minh họa

Các triệu chứng trên thường xuất hiện khoảng vài ngày sau sinh, và có thể kéo dài trong khoảng 1 tuần thì chấm dứt. Hiện tượng này  được xem là một phản ứng bình thường của nhiều sản phụ. Tuy nhiên, nếu tình trạng đó kéo dài vài tuần với các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng như: luôn cảm thấy buồn, thờ ơ với những sự việc chung quanh, ăn không ngon, sụt cân, khó ngủ, luôn cảm thấy mệt mỏi, thường khóc không lý do, cảm thấy bồn chồn, âu lo, dễ tức giận, bi quan về tương lai,... thì sản phụ đã bị rối loạn trầm cảm sau sinh cần có biện pháp can thiệp sớm.

Để điều trị và phòng ngừa các biểu hiện trầm cảm sau sinh, ngoài điều trị bằng phối hợp thuốc chống trầm cảm theo chỉ định của bác sĩ và tâm lý liệu pháp, trước khi sinh cả thai phụ và người chồng cần được giáo dục tiền sản để được cung cấp những kiến thức cơ bản về cách chăm sóc em bé, tình trạng sức khỏe và những nhu cầu tâm lý của người mẹ trong giai đoạn thai kỳ, hậu sản để người chồng có thể hỗ trợ vợ mình một cách tốt nhất.

Ngoài ra các thành viên trong gia đình cần chú ý tạo một bầu không khí vui vẻ, đầm ấm, cùng nhau chăm sóc em bé và quan tâm đến sức khỏe người mẹ để người mẹ cảm thấy được chia sẻ sau lần vượt cạn. Bản thân người mẹ cũng nên chủ động đề nghị những người trong gia đình chia sẻ những khó khăn, vất vả khi chăm sóc em bé để có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau sinh.

Bác sĩ Thu Lan

Một số phương pháp đánh giá béo phì

Phương pháp đo nhân trắc

Trên lâm sàng, béo phì được biểu hiện bởi sự tăng cân được xác định bằng phương pháp đo nhân trắc lâm sàng, gồm:

-Chỉ số khối cơ thể (BMI): Dưới chuẩn khi BMI < 18.5; Chuẩn: BMI từ 18,5 – 25; Thừa cân: BMI từ 25-30 ; Béo phì: BMI trên/hoặc bằng 30. - Công thức Lorenz (Trọng lượng thực/trọng lượng lý tưởng) x 100%. Nếu > 120-130%: tăng cân. Nếu> 130 %: béo phì. - Độ dày của nếp gấp da (phản ánh lớp mỡ dưới da): Có thể đo bằng compar, ở nhiều vị trí. Trên lâm sàng thường đo ở cánh tay (cơ tam đầu), giữa vai và đùi. Trung bình, độ dày nếp gấp cơ tam đầu là 16,5 đối với nam và 12,5 đối với nữ. Chỉ số cánh tay đùi: 0,58 đối với nam và 0,52 đối với nữ. Chỉ số vòng bụng vòng mông: < 0,9 đối với nam, <0,85 đối với nữ.Siêu âm

Phương pháp này dùng đo độ dày mô mỡ tại vị trí muốn xác định như cánh tay, đùi, bụng… Theo đó, độ dày của mô mỡ nông có thể được đo trực tiếp chính xác bằng cách đặt đầu dò thẳng góc với mặt da, không ép, ở tại điểm muốn xác định. Kỹ thuật có thể phân biệt rõ ràng giới hạn phần mỡ, cơ và xương.

beo phiSiêu âm xác định độ dày mô mỡ.

Chụp cắt lớp tỉ trọng

Dùng xác định được lượng mỡ phân bố ở da và các tạng. Phương pháp này mới được áp dụng gần đây để đánh giá sự phân bố mỡ. Nó có thể định lượng mỡ phân bố ở dưới da và quanh tạng.Từ phần cắt ngang của scanner, có thể tính được bề mặt choán chỗ của mô mỡ. Lợi điểm của phương pháp này có thể xác định bề mặt mô mỡ sâu quanh tạng. Phần cắt ngang qua L4-L5 sẽ cho phép phân biệt chính xác sự khác nhau về phân bố mỡ giữa hai giới. Sự đánh giá bằng phương pháp này cho kết quả đáng tin cậy, chính xác, tuy nhiên giá kỹ thuật đắt, dụng cụ nặng nề khó thực hiện ở các tuyến thông thường.

Ngoài ra, có thể đo lượng mỡ hiện có và lượng mỡ lý tưởng của cơ thể từ đó tính ra lượng mỡ dư thừa.

BS. Lê Xuân Bách

Biểu hiện và cách trị đái tháo nhạt

Minh Hằng (Thanh Hóa)

Đái tháo nhạt tuy là căn bệnh ít khi gây biến chứng nguy hiểm nhưng làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, đôi khi cũng có thể gây biến chứng mất nước nặng. Biểu hiện là người bệnh tiểu tiện nhiều (4-8 lít/ngày), có những trường hợp nặng có thể lên tới 40 lít/ngày; nước tiểu nhạt màu, không có đường, không có protein, tỷ trọng rất thấp. Do tiểu nhiều nên bệnh nhân rất khát và uống rất nhiều. Trẻ em thường kêu khóc đòi uống nước, khi cho uống đủ nước thì nín. Lượng nước vào gần tương đương với lượng tiểu ra.

Các triệu chứng toàn thân: Lúc đầu thường ít thay đổi, ngoại trừ ở trẻ nhỏ có thể thấy dấu hiệu mất nước mạn tính. Da người bệnh khô, xanh và ít ra mồ hôi, trẻ không thấy tăng cân, suy dinh dưỡng, sốt cao không rõ nguyên nhân...

Về điều trị, với mọi bệnh nhân đái tháo nhạt thì điều trị đầu tiên và quan trọng nhất là phải uống đủ nước. Lượng nước uống vào gần tương đương với lượng nước tiểu. Với những bệnh nhân bị bệnh nhẹ có thể chỉ cần uống bù đủ nước mà không cần dùng thuốc. Những bệnh nhân nặng cần phải được điều trị. Việc điều trị đặc hiệu phụ thuộc loại đái tháo nhạt như: đái tháo nhạt trung ương hay đái tháo nhạt do thận. Vì vậy, để xác định bệnh chính xác và điều trị phù hợp, chị cần đến chuyên khoa nội tiết để được khám và tư vấn cụ thể.

ThS. Quang Bảy

Hạ sốt cho trẻ em

Phát hiện sớm bệnh cong vẹo cột sống

(suckhoedoisong.vn) - Cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng đau lưng, hạn chế vận động của hệ thống cơ xương.

Cong vẹo cột sống là gì?

Trong giai đoạn phôi thai, cột sống người có hình vòm cong. Sau khi sinh ra, khi trẻ đang còn nằm thì cột sống chuyển từ vòm cong sang thẳng, đến khi trẻ biết ngẩng cao đầu và tập lẫy thì đoạn cổ bắt đầu cong ra phía trước để nâng đầu lên và tạo thành đoạn cong ở cổ. Đến tháng thứ 6, khi trẻ tập ngồi thì cột sống uốn cong ra phía trước ở vùng thắt lưng và cong ra sau ở vùng cùng, cụt để giữ thân mình thẳng đứng. Đến khi trưởng thành, cột sống có 2 đoạn cong uốn về phía  trước là cổ và thắt lưng, 2 đoạn cong uốn về phía sau là ngực và cùng - cụt.

Cột sống có vai trò hết sức quan trọng trong mọi hoạt động sống của con người. Cột sống là trụ cột của cơ thể, là chỗ dựa vững chắc cho các hệ thống cơ quan phát triển, bảo vệ tuỷ sống, giảm sóc cho bộ não. Nhờ có cột sống mà cơ thể có thể vận động linh hoạt, quay sang trái, sang phải, cúi hoặc ưỡn, nhún nhảy một cách dễ dàng, tạo cho cơ thể có nhiều tư thế khác nhau.

Biến dạng cột sống là sự thay đổi về hình dáng hoặc cấu trúc của cột sống so với bình thường. Biến dạng cột sống bao gồm cong cột sống (gù hoặc ưỡn) và vẹo cột sống. Do vậy khi nói về biến dạng cột sống lứa tuổi học đường, người ta thường quen dùng thuật ngữ “Cong vẹo cột sống”.

Cong cột sống là hiện tượng cột sống bị uốn cong quá mức sinh lý bình thường ở đoạn cổ, đoạn ngực hoặc thắt lưng. Khi đoạn cổ bị uốn cong quá mức, đầu sẽ ngả về trước, hai vai chùng xuống và giảm độ cong thắt lưng (tư thế vai so). Nếu đoạn ngực bị uốn cong quá mức về phía sau, lưng tròn, vai thấp, đầu hơi ngả, bụng nhô về phía trước (gọi là tư thế gù). Nếu đoạn thắt lưng bị uốn cong quá mức về phía trước, bụng xệ, phần trên của thân hơi ngả về phía sau (gọi là tư thế ưỡn).

Vẹo cột sống là hiện tượng cột sống bị uốn cong sang bên phải hoặc bên trái. Khi bị vẹo cột sống, nếu đỉnh đường cong hướng về bên phải thì cột sống có hình chữ C ngược, nếu đỉnh đường cong hướng về bên trái thì cột sống có hình chữ C thuận. Nếu cột sống có hai cung uốn cong đối xứng nhau thì nó sẽ có hình chữ S thuận hoặc chữ S ngược (còn gọi là vẹo cột sống bù trừ).

Theo thống kê, vẹo cột sống chiếm khoảng 1- 4% dân số, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và ảnh hưởng nhiều đến trẻ em từ 10-18 tuổi. Cong cột sống thường gặp ở trẻ em 12-15 tuổi.

 Hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế.
Nhận biết như thế nào?

Trong trường hợp bị vẹo cột sống, có thể nhìn thấy những bất thường như: các gai đốt sống không thẳng hàng; hai vai dốc không đều, bên cao bên thấp; xương bả vai nhô ra, khoảng cách từ 2 mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không bằng nhau; hai tam giác eo tạo ra giữa cánh tay và thân không đều nhau, bên rộng bên hẹp; mào chậu bên thấp bên cao; hai thăn lưng mất cân đối hoặc có ụ lồi do cột sống bị xoáy vặn, xương sườn lồi lên.

Nếu bị gù thì quan sát thấy lưng tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước. Nếu bị ưỡn, phần trên của thân hơi ngả về phía sau, bụng xệ xuống.

Có nhiều nguyên nhân gây ra cong vẹo cột sống. Một số trẻ em sinh ra đã bị cong hoặc vẹo cột sống bẩm sinh. Một số trẻ em bị cong vẹo cột sống do ngồi, đi đứng quá sớm hoặc bị mắc các bệnh về thần kinh, bệnh cơ, bị chấn thương, thể trạng kém vì ít hoạt động thể thao, suy dinh dưỡng (còi xương), cường độ lao động không thích hợp với lứa tuổi. Nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống.

Cong vẹo cột sống ở tuổi học sinh có thể phát sinh do ngồi sai tư thế vì bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh, chiếu sáng bàn học kém, mang cặp sách quá nặng về một bên vai.

Tác hại của cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng đau lưng, hạn chế vận động của hệ thống cơ xương.

Trường hợp bệnh nặng có thể gây rối loạn tư thế, dị dạng thân hình, tác động xấu đến tâm lý của trẻ, hạn chế khả năng hòa nhập cộng đồng; ảnh hưởng đến chức năng của tim, phổi (giảm dung tích sống của phổi); gây biến dạng xương chậu, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ em nữ khi trưởng thành.

Chi phí điều trị cho các bệnh nhân bị cong vẹo cột sống rất tốn kém, đặc biệt là những bệnh nhân cần phải phẫu thuật chỉnh hình.

Và phòng ngừa?

Để phòng ngừa cong vẹo cột sống trước hết cần phải nâng cao sức khỏe chung của cơ thể bằng cách rèn luyện thể dục thể thao cho các bắp thịt, các tổ chức liên kết, dây chằng các khớp khỏe, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối.

Cần phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ. Chế độ ăn cần có đủ protein, chất khoáng và vitamin.

Bàn ghế ngồi học phải phù hợp với lứa tuổi và tư thế ngồi học phải đúng.

Nơi học tập ở trường phải đảm bảo chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo. Ở nhà, ngoài hệ thống chiếu sáng chung, gia đình cũng cần trang bị đèn ở góc học tập cho các em học sinh để đảm bảo ánh sáng tốt hơn. Cần thực hiện giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học.

Học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có hai quai, khi sử dụng học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía.

Học sinh cần được khám cột sống định kỳ nhằm phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống để có thể có cách xử trí và điều trị kịp thời.

ThS. Lỗ Văn Tùng

Như một món quà đầu đời tặng trẻ!

BV. Từ Dũ (TP.HCM) vừa tổng kết đánh dấu mốc 10 năm chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS &SS). Hàng ngàn cháu bé đã được chẩn đoán, sàng lọc dị tật để chào đời khỏe mạnh. Sức khỏe & đời sống đã có cuộc trao đổi với ThS. BS. Phùng Như Toàn, Trưởng khoa Xét Nghiệm  Di truyền Y học BV. Từ Dũ, về chương trình ý nghĩa này.

 
- Phóng viên:Thưa bác sĩ, những dị tật gì có thể tránh và khắc phục được nhờ sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS)? Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với gia đình và xã hội?

ThS.BS. Phùng Như Toàn: Có thể nói mục đích cuối cùng của BS sản khoa trong vấn đề chăm sóc sức khỏe của thai phụ là muốn đánh giá trước khi bé chào đời những bệnh lý có thể chẩn đoán được. Đó là những bệnh lý ở cấp độ gen, nhiễm sắc thể có thể gây hậu quả nặng nề là dị tật bẩm sinh cho thai nhi, làm cho thai nhi có sức sống kém, có thể tử vong sau sinh hoặc sinh ra bị chậm phát triển thể chất, tâm thần vận động. Đó là trước sinh, còn SLSS, đối với những bệnh lý mà trong bào thai không thể chẩn đoán được như những rối loạn nội tiết, rối loạn về dị tật bẩm sinh, những bệnh lý về rối loạn chuyển hóa thì phải đợi sau sinh mới đánh giá được. Thế giới đã triển khai kỹ thuật này từ những năm 1960 tại nhiều nước và tầm soát hàng loạt bệnh cho em bé bằng kỹ thuật lấy giọt máu khô (áp dụng cho 6 - 15 bệnh). Những bệnh lý có thể phát hiện được qua sàng lọc ở ta hiện có bệnh Down, hội chứng Edwards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận và Thalassemia thể nặng…

- Phóng viên: Hơn mười năm triển khai những kỹ thuật này, đã có bao nhiêu ca được thực hiện tại BV. Từ Dũ?

ThS.BS. Phùng Như Toàn: BV. Từ Dũ đã quyết định trang bị máy móc, thiết bị và cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài và sau đó thành lập Trung tâm tiền sản năm 1999 để thực hiện các kỹ thuật chẩn  đoán trước sinh. Còn với các bệnh lý sơ sinh, đến năm 2002 bệnh viện cũng đã triển khai sàng lọc. Chỉ trong vòng 5 năm (từ 2002 - 2006), đã có trên 150.000 trẻ sinh tại BV. Từ Dũ đã được tiến hành SLSS. 5 năm sau đó, thêm bệnh lý tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh được đưa vào danh mục bệnh SLSS. Tổng cộng lại, có khoảng 300.000 trẻ sinh tại bệnh viện đã được sàng lọc.

-Phóng viên:Quy trình SLTS &SS hiện nay được tiến hành như thế nào, thưa BS?

ThS.BS. Phùng Như Toàn: Quy trình kỹ thuật thì rất đơn giản, chỉ cần lấy 2 giọt máu gót chân của trẻ sau 48 giờ sinh (nếu sơ sinh non tháng, nhẹ cân thì lấy mẫu khi trẻ đủ 7 ngày tuổi) là có thể tiến hành các xét nghiệm phân tích được 2 bệnh lý là thiếu men G6PD (qua đó, cha mẹ trẻ sẽ được tư vấn tránh các loại thực phẩm hay thuốc tây ảnh hưởng dễ gây vỡ hồng cầu, vàng da…) và suy giáp bẩm sinh. Với bệnh lý này, nếu phát hiện, trẻ sẽ được tham vấn và điều trị hiệu quả, triệt để tại BV. Nhi Đồng 1, TP.HCM, để có thể phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ.

- Phóng viên:Hiện nay nhiều bà mẹ mang thai vẫn chưa biết hoặc chủ quan với việc khám thai định kỳ cũng như SLTS & SS. Chúng ta cần làm gì để có thể thay đổi điều nàỵ?

ThS.BS. Phùng Như Toàn: Cứ hình dung thế này, nếu chúng ta bỏ ra một đồng để làm SLTS&SS thì chúng ta sẽ lời 5 đồng khi không phải điều trị bệnh cho trẻ. Lợi ích lớn hơn, đó là những đứa trẻ sinh ra và lớn lên thông minh, khỏe mạnh, không dị tật và là nền tảng phát triển quốc gia. Do vậy, ngoài cố gắng về chuyên môn và tuyên truyền của ngành y tế, Tổng cục dân số, Chi cục dân số và các CTV dân số các tỉnh trong trong các dự án về SLSS đang triển khai thì vai trò của truyền thông của báo, đài cũng có vai trò quan trọng để tuyên truyền và thay đổi nhận thức cũng như hành vi của các thai phụ sắp và đang làm mẹ. Việc SLTS & SS sẽ giúp loại bỏ được 95% những dị tật bất thường và cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh. Đây như một món quà đầy ý nghĩa mà các bậc cha mẹ tặng con cái lúc đầu đời vậy!

 - Phóng viên: Với ý nghĩa lớn lao của SLTS & SS thì  “độ phủ” càng rộng càng tốt. Vậy kỹ thuật này có thể chuyển giao rộng rãi cho tuyến dưới áp dụng được không,  thưa BS?

ThS.BS. Phùng Như Toàn: Hiện, sàng lọc sơ sinh từ một kỹ thuật được triển khai đầu tiên ở BV. Từ Dũ đã trở thành một chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2006, Bộ Y tế đã chỉ đạo 2 bệnh viện đầu ngành về phụ sản ở phía Bắc và phía Nam là BV. Phụ sản TW và BV. Từ Dũ ngồi lại với Tổng cục Dân số để viết một đề án thử nghiệm đưa vào thí điểm thực hiện kỹ thuật SLSS tại 12 địa phương tại phía Bắc và 12 tỉnh thành tại phía Nam do 2 bệnh viện trên chịu trách nhiệm phụ trách. Từ đó, việc tuyên truyền, vận động cho cộng đồng được đẩy mạnh. Song song đó, việc mở lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế và kỹ thuật viên tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện về kỹ thuật lấy máu gót chân để gửi về BV. Từ Dũ làm xét nghiệm. Đề án đang triển khai tại phía Nam của BV. Từ Dũ hiện đã mở rộng ra 20 tỉnh như Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu… và mỗi năm sàng lọc cho trên 80.000 trẻ (tập trung vào 2 bệnh thiếu men G6PD và suy giáp) và dự kiến con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Hiện các bệnh viện tư như FV, Vũ Anh, Phụ sản quốc tế Sài Gòn cũng đang triển khai các kỹ thuật này. Với tuyến dưới, nếu được đầu tư máy móc, trang thiết bị và đào tạo con người thì hoàn toàn có thể thực hiện được kỹ thuật này. Khi đó, BV. Từ Dũ với vai trò là labo trung tâm sẽ hỗ trợ để các địa phương xây dựng labo chuẩn và tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để cán bộ tuyến dưới đủ khả năng làm SLSL để không phải gửi mẫu về BV Từ Dũ như hiện nay nữa.

- Phóng viên: Xin cảm ơn BS về cuộc trao đổi này!

TU N NGUYỄN(thực hiện)